Đây là tâm huyết của PTEXIM trong nỗ lực kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo nhằm đa dạng nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường, tối đa hóa lợi ích cho các bên tham gia chuỗi giá trị.
Đã từ lâu, nguồn năng lượng được tạo ra từ các quá trình tự nhiên, liên tục bổ sung như gió, mặt trời, thủy triều… được xem là nền tảng phát triển bền vững cho các quốc gia. Việc cắt giảm đáng kể chi phí, mang đến những giá trị tích cực cho môi trường (giảm phát thải nhà kính, biến đổi khí hậu…) đã minh chứng cho tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo.
Dự án điện mặt trời tại Nhà máy PTEXIM (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Báo cáo cập nhật năng lượng Việt Nam năm 2020 của Trung tâm Truyền thông và Sáng kiến Phát triển (MDI) ghi nhận Việt Nam có những bước tiến đáng kể, trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thiết thực tạo điều kiện triển khai các dự án năng lượng tái tạo như Quyết định số 13 ngày 6.4.2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020…
Với quyết tâm kiên trì theo đuổi mục tiêu mang đến những sản phẩm sạch vì cộng đồng, đề cao yếu tố quyền lợi gắn liền trách nhiệm xã hội, bên cạnh những dự án Rainforest Alliance, tiêu sạch organic… PTEXIM còn chú trọng đầu tư phát triển nguồn năng xanh – điện mặt trời trên mái phục vụ nhu cầu sử dụng điện sản xuất.
Nhà máy PTEXIM lắp đặt 1.400 tấm pin
Theo đó, Nhà máy PTEXIM đặt tại thị trấn Ngãi Giao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích gần 7.000m2 triển khai lắp đặt áp mái 1.400 tấm pin với công suất 0,450 kWp/tấm cho tổng công suất 630 kWp. Dự án điện mặt trời này đã chính thức đóng điện, đi vào vận hành từ ngày 26.12.2020 đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng điện của Nhà máy, góp phần giảm thải carbon tác động xấu đến các nguồn tài nguyên đất, nước, không khí…
Điện mặt trời trên mái là nỗ lực hướng đến nền nông nghiệp xanh bền vững
Có thể thấy, đây là tâm huyết của PTEXIM trong nỗ lực kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo nhằm đa dạng nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường, tối đa hóa lợi ích cho các bên tham gia chuỗi giá trị: đối tác – người tiêu dùng – nông dân – cán bộ nhân viên.